Tuyển sinh BUH

Bí quyết đạt điểm cao môn tiếng Anh
14041 lượt xem

THÔNG TIN TUYỂN SINH

Còn hơn 1 tháng nữa, các thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017. Cô Vũ Mai Phương, giáo viên có nhiều năm dạy và luyện thi tiếng Anh trên truyền hình chia sẻ những phương pháp làm bài thi để đạt kết quả tốt nhất.

PV: Thưa cô, năm nay bài thi môn tiếng Anh có những thay đổi so với năm trước, dựa vào đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố, cô nhận định như thế nào về mức độ khó của đề?

Cô Vũ Mai Phương: Đề thi tiếng Anh của kì thi Trung học phổ thông Quốc gia có một số thay đổi đáng kể. Thời gian thi giảm từ 90 phút xuống còn 60 phút.
Đề thi cũng bỏ phần tự luận 2 điểm, số câu trắc nghiệm giảm từ 64 câu xuống còn 50 câu.

Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học trong một kì thi THPT quốc gia chung, nên đề thi dễ hơn những năm trước rất nhiều.

Việc thay đổi cấu trúc đề thi tác động không nhỏ đến thí sinh. Học sinh sẽ cảm giác đề dễ đạt điểm 10 hơn, vì đề toàn trắc nghiệm. Điểm của các em cũng sẽ chính xác hơn vì không bị lệ thuộc vào người chấm nếu có phần tự luận. Tuy nhiên, bất lợi cho các em đó là một số bạn không quen làm bài trong thời gian ngắn, yêu cầu mức độ tập trung cao.

PV: Trong đề thi môn tiếng Anh, phần đọc hiểu và tìm từ đồng nghĩa luôn khiến rất nhiều học sinh bối rối, để làm tốt những dạng bài này, học sinh cần chú ý những gì, thưa cô?

Cô Vũ Mai Phương: Đọc hiểu là dạng bài khó nhất trong đề thi do có nhiều từ mới và tốn nhiều thời gian để hoàn thành. Nếu phân bổ thời gian không hợp lí, học sinh sẽ thiếu thời gian làm các phần còn lại.

Để có thể làm tốt dạng bài này, học sinh cần trang bị đa dạng vốn từ theo chủ điểm và nắm vững kĩ năng đọc lướt, thâu tóm nội dung, cũng như kĩ năng đọc chi tiết, tìm nội dung cụ thể. Ngoài ra, việc dựa theo ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ cũng rất quan trọng vì chúng ta khó có thể biết hết được nghĩa của các từ trong bài đọc đó.

Trên thực tế, học sinh chỉ cần hiểu được 60% nghĩa của bài đọc và nắm vững các kĩ năng là đã có thể trả lời đúng hết các câu hỏi trong bài thi. Tuy nhiên, nhiều học sinh chỉ chú trọng học ngữ pháp mà không chú trọng học từ vựng, nên khi làm bài đọc hiểu thường phải suy đoán quá nhiều, dẫn đến trả lời sai.
Nhiều em không nắm được kĩ năng làm bài, thường cố gắng dịch nghĩa toàn bộ bài đọc là không cần thiết và mất thời gian. Học sinh cần áp dụng nhuần nhuyễn các kĩ năng làm bài dựa trên sự thông hiểu 60% nghĩa trở lên.

Với dạng bài đọc hiểu, các em cần luyện tập thật nhiều để nắm vững các kĩ năng, cách tư duy, tìm đáp án và cách phân bổ thời gian.

Dạng tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa cũng gây ra không ít lo lắng cho học sinh, nhiều em thậm chí xác định bỏ ngay câu hỏi này khi đi thi. Nhưng thực tế các em không cần sợ dạng bài này vì nó cũng không quá khó.

Để “ăn” trọn điểm phần này, các em cần nhớ và hiểu được bản chất của dạng bài này như sau:

Những từ in đậm mà đề bài cho thường là những từ ít xuất hiện và học sinh thường chưa gặp bao giờ, còn các phương án A, B, C, D thường là những từ, cụm từ mà các em hoàn toàn có khả năng hiểu được nghĩa. Tuy nhiên, dạng bài này không kiểm tra về vốn từ vựng của các em có rộng hay không, các em biết nhiều từ mới hay không, mà thực tế kiểm tra kĩ năng đoán nghĩa từ dựa theo ngữ cảnh.

Câu văn đề bài cho chứa từ vựng mà các em cần đoán nghĩa sẽ đặt trong một ngữ cảnh xác định mà khi dịch được câu, các em hoàn toàn có thể suy luận ra nghĩa của từ. Như vậy, cách làm bài ở đây là dịch nghĩa của câu và sau đó suy đoán nghĩa của từ. Nhớ lưu ý xem đề bài hỏi đồng nghĩa hay trái nghĩa bằng cách gạch chân hay khoanh tròn từ CLOSEST – OPPOSITE trong đề, vì các phương án đưa ra đều có cả từ đồng nghĩa và từ trái nghĩa với từ in đậm để đánh lừa thí sinh.

PV: Là người có nhiều năm giảng dạy tiếng Anh, cô có lời khuyên nào về chiến lược làm bài để thí sinh đạt điểm cao khi làm bài trắc nghiệm môn tiếng Anh?

Cô Vũ Mai Phương: Nguyên tắc của thi trắc nghiệm là không bỏ bất kì câu hỏi nào, nếu không biết, hãy loại trừ và chọn đáp án các em thấy dễ đúng nhất, thuận tai nhất. Mặc dù đã nhắc đi nhắc lại vấn đề này nhưng thực tế rất nhiều học sinh “quên” không chọn vì lí do “em định lát quay lại”. Thí sinh cần ghi nhớ điều này để tránh mất điểm đáng tiếc.

Chỉ cần nắm được những điểm ngữ pháp xác định có trong chương trình học đại trà là các em đã có thể đạt được điểm số tương đối ổn rồi. Nếu chăm chỉ làm bài tập và đề thi thử để nâng cao các kĩ năng như đọc hiểu, đoán nghĩa từ thì điểm giỏi môn tiếng Anh không hề khó.

Như vậy, trước tiên các em cần ôn tập kiến thức ngữ pháp cơ bản cho thật chắc, không nên quá chú trọng vào kiến thức quá nâng cao, chủ quan những phần dễ dẫn đến mất điểm. Sau đó luyện đề để cải thiện các kĩ năng đọc hiểu, mở rộng vốn từ, cấu trúc khó.
Trong khi làm bài thi, các em nên làm cẩn thận, câu nào chắc câu ấy, để không mất thời gian xem lại trong khi thời gian không có nhiều.

Việc phân bổ thời gian cũng rất quan trọng, các em không nhất thiết phải làm theo trình tự trong đề thi, làm câu dễ trước, câu khó sau. Mỗi bạn sẽ có một thế mạnh riêng, nhưng hãy cứ làm phần mình tự tin nhất. Theo cô thì có thể làm dạng điền từ vào câu trước, vì phần đó ngắn, dễ, tốn ít thời gian.

Sau khi làm phần dễ, các em sẽ tự tin hơn để hoàn thiện các phần tiếp theo, tránh để tình trạng làm bài khó trước dẫn đến mất tự tin, lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.

Nếu gặp câu khiến các em phân vân, đừng tốn quá nhiều thời gian. Tiếng Anh không giống các môn tự nhiên, việc đầu tư nhiều thời gian không có nghĩa là các em sẽ tính toán và tìm ra đáp án đúng. Do đó, một là chọn luôn, hai là đánh dấu vào đó, chuyển sang câu tiếp theo, lát làm xong hết rồi thì quay lại, không để mất nhiều thời gian vào một câu hỏi.

Chỉ cần nắm vững các kiến thức và kỹ năng cơ bản, giữ tâm lý bình tĩnh khi làm bài, việc chinh phục điểm cao môn tiếng Anh không hề khó.

PV: Xin cảm ơn cô!/.

Quay lại
THAM GIA FANPAGE TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP.HCM
Thiet Ke Website