Tuyển sinh BUH

CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN TRỰC TUYẾN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CHÍNH QUY NĂM 2020 – SỐ 2: NGÀNH TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
2629 lượt xem

THÔNG TIN TUYỂN SINH

Vào lúc 14h30 ngày 24/03/2020, số thứ 2 trong chương trình tư vấn trực tuyến tuyển sinh Đại học chính quy năm 2020 với chủ đề về “Ngành Tài chính - Ngân hàng” tiếp tục được triển khai. Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các bạn học sinh và quý phụ huynh cả nước về các phương thức tuyển sinh năm 2020 và chuẩn đầu ra, nội dung đào tạo, cơ hội việc làm của các ngành Tài chính Ngân hàng nói chung tại trường Đại học Ngân hàng TP. HCM. 

          Sau số đầu tiên với chủ đề “Hiểu mình – Hiểu nghề” đã lên sóng vào ngày 19 tháng 3 năm 2020. Buổi tư vấn trực tuyến số thứ 2 đã nhận được sự quan tâm và tương tác liên tục của các thí sinh và đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của các bạn học sinh về phương thức chọn ngành, chọn nghề, Chuẩn đầu ra, nội dung đào tạo, cơ hội việc làm của các ngành Tài chính Ngân hàng nói chung và các chuyên ngành như : Tài chính, Ngân hàng, Công nghệ tài chính (FinTech); Nội dung thực tế của các công việc, vị trí nghề nghiệp cụ thể; những tiêu chuẩn yêu cầu, những thuận lợi và khó khăn của từng công việc trong các ngân hàng, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính, … cũng như những thông tin mới nhất về kỳ tuyển sinh Đại học chính quy năm 2020 của trường Đại học Ngân hàng TP. HCM.
Trong số này các bạn học sinh và quý phụ huynh đã giao lưu với các chuyên gia và khách mời bao gồm:

- Ths. Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng TVTS & PTTH
- TS. Trần Tuấn Vinh - Phó Trưởng Khoa Tài chính
- ThS Trần Chí Chinh - Phó Trưởng Khoa Ngân hàng
- Ông Nguyễn Duy Linh - GĐ Khối dịch vụ chứng khoán - khách hàng cá nhân, công ty chứng khoán SSI (Cựu SV K17).
- Ông Võ Việt Linh- Phó Giám đốc cụm Phía Tây Ngân hàng Shinhan Việt Nam (Cựu SV K20).

 

Toàn cảnh buổi tư vấn

 

            Chương trình được phát trực tiếp trên kênh Fanpage và kênh Youtube chính thức của BUH:
Fanpage:
https://www.facebook.com/tuyensinhdaihocnganhang/
Kênh Youtube: BUH Channel

Một vài câu hỏi mà các thí sinh quan tâm:

1/ Những điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm 2020 của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cũng như đối với ngành Tài chính – Ngân hàng.

Ths. Nguyễn Anh Vũ trả lời:

Trong kỳ tuyển sinh năm 2020 trường dự kiến tuyển 3.250 chỉ tiêu ở 3 chương trình: 
+  Chương trình Đại học chính quy (2300 chỉ tiêu).
+  Chương trình Đại học chính quy chất lượng cao (800 chỉ tiêu).
+  Chương trình Đại học chính quy quốc tế cấp song bằng (150 chỉ tiêu).
            Về phương thức tuyển sinh năm 2020 có một điểm mới là ngoài phương thức tuyển thẳng theo đúng quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo thì năm nay trường dự kiến sẽ áp dụng 2 phương thức tuyển sinh:
- Phương thức 1: dựa trên kết quả kỳ thi THPTQG như mọi năm. Áp dụng cho chương trình Đại học chính quy.
- Phương thức 2: phương thức ưu tiên xét tuyển và xét học bạ chỉ dành cho chương trình Đại học chính quy chất lượng cao (400 chỉ tiêu) và chương trình Đại học chính quy quốc tế song bằng (90 chỉ tiêu) và dành cho 3 đối tượng:
+ Đối tượng 1 : Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương các môn có trong các tổ hợp môn xét tuyển vào ngành thí sinh đăng ký và tốt nghiệp THPT.
+ Đối tượng 2: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 61 trở lên và tốt nghiệp THPT.
+ Đối tượng 3 : Học sinh có kết quả học tập năm học lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt học lực từ loại khá trở lên. điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm tiếng Anh từ 6.5 trở lên.  
Riêng đối với ngành Tài chính – Ngân hàng sẽ có 3 sự lựa chọn khi học tại trường Đại học Ngân hàng TP. HCM:
- Chương trình Đại học chính quy (720 chỉ tiêu), 3 chuyên ngành: chuyên ngành Tài chính, chuyên ngành Ngân hàng và chuyên ngành Công nghệ - Tài chính (FINTECH). 
- Chương trình Đại học chính quy chất lượng cao (800 chỉ tiêu): chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng.
- Chương trình Đại học chính quy quốc tế cấp song bằng (150 chỉ tiêu): chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm. 

 

Ths. Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng TVTS & PTTH

 


2/ Ngành Tài chính Ngân hàng có chuyên ngành Tài chính và chuyên ngành Ngân hàng, các thầy có thể chia sẻ về chương trình đào tạo cũng như những điểm giống và khác nhau của 2 chuyên ngành này.

TS. Trần Tuấn Vinh và ThS. Trần Chí Chinh trả lời:

Về chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng hướng đến 3 mục tiêu:
- Tính hiện đại: luôn cập nhật các kiến thức mới trong nước và trên thế giới vào chương trình đào tạo.
- Tính quốc tế: chương trình đào tạo luôn có sự liên kết với các chương trình có danh tiếng của nước ngoài, tạo điều kiện cho sinh viên có thể liên thông học lên bậc cao hơn ở nước ngoài.
- Tính thực tiễn: trong quá trình đào tạo bên cạnh việc học lý thuyết trên giảng đường, sinh viên sẽ có những buổi kiến tập, thực tập và những buổi chia sẻ chuyên đề từ các nhà tuyển dụng.
       Bên cạnh đó với thâm niên gần 45 năm đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, chương trình đào tạo cũng như giáo trình của trường Đại học Ngân hàng TP. HCM được các nhà tuyển dụng đánh giá cao về tính chuyên sâu và áp dụng thực tiễn vào quá trình làm việc.
        Chuyên ngành Tài chính và chuyên ngành Ngân hàng về cơ bản giống nhau về môn học, chỉ khác nhau khoảng 6 môn ở học kỳ cuối. Do đó, dù bạn học chuyên ngành Tài chính hay chuyên ngành Ngân hàng thì khi ra trường bạn đều có thể làm việc tại các ngân hàng, các công ty tài chính,… và bằng bạn nhận được đều là bằng ngành Tài chính – Ngân hàng. 

 

ThS Trần Chí Chinh - Phó Trưởng Khoa Ngân hàng

TS. Trần Tuấn Vinh - Phó Trưởng Khoa Tài chính

 

3/ Sinh viên học ngành Tài chính - Ngân hàng ở các trường trong nước làm thế nào để có thể cạnh tranh cơ hội việc làm so với các bạn du học sinh hay các bạn học ở trường quốc tế khi ứng tuyển vào các ngân hàng, công ty nước ngoài?

Ông Võ Việt Linh trả lời:

Sinh viên học ngành Tài chính – Ngân hàng các chương trình đào tạo trong nước thực tế cũng có nhiều lợi thế hơn so với các bạn sinh viên học tại các trường quốc tế hay du học sinh. Vì đối với chương trình trong nước các bạn sẽ được đào tạo chuyên môn phù hợp với văn hoá kinh doanh của thị trường trong nước. Tuy nhiên một trong những lý do khiến các bạn thấy khó khăn khi làm việc tại các tổ chức nước ngoài, đó là trong quá trình học có thể các bạn quá tập trung vào chuyên môn mà thiếu sự quan tâm nhiều đến các kỹ năng bao gồm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Trong khi đó các chương trình quốc tế tập trung vào phương pháp, khả năng làm việc nhóm, thảo luận, trình bày nhiều hơn. Do đó, các bạn cần xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có kế hoạch tự trang bị thêm các kỹ năng trong quá trình học.

 

Ông Võ Việt Linh- Phó Giám đốc cụm Phía Tây Ngân hàng Shinhan Việt Nam (Cựu SV K20)
 

 

Ông Nguyễn Duy Linh chia sẻ thêm:
Theo đánh giá thì không có một bất lợi nào khi sinh viên học tại trường Đại học trong nước so với sinh viên học tại các trường quốc tế. Hiện nay, trường Đại học Ngân hàng TP. HCM đào tạo dựa trên chuẩn tập trung vào: thứ nhất là tư duy và thái độ, thứ 2 là kỹ năng và thứ 3 là kiến thức. Đối với hầu hết các nhà tuyển dụng đây cũng chính là tiêu chí đặt ra cho các ứng viên của họ. 
Câu hỏi đặt ra ở đây là các bạn cần xây dựng cho bản thân một tư duy thái độ đúng, phù hợp với văn hoá của tổ chức đó: Bản thân mình đã có mục tiêu rõ ràng chưa?,… Thứ 2 các bạn cần trang bị, hoạch định rõ ràng cho bản thân những kỹ năng và kiến thức cần bổ sung trong quá trình 4 năm học như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng chia sẻ hiệu quả,… và các kỹ năng này các bạn hoàn toàn có thể bổ sung từ các chương trình đào tạo trong nước. Cái bất lợi nếu có là các bạn cần dành thời gian nhiều hơn trang bị thêm về mặt tiếng Anh và bổ sung thêm những kỹ năng mà các thầy cô đã hướng dẫn trong quá trình học. Và theo cá nhân anh đánh giá thì đây là những thứ cần thiết chứ không phải bất lợi khi học các chương trình trong nước.

 

Ông Nguyễn Duy Linh - GĐ Khối dịch vụ chứng khoán - khách hàng cá nhân, công ty chứng khoán SSI (Cựu SV K17)

 

4/ Em rất thích làm tại ngân hàng nhưng lại mơ hồ không rõ làm trong ngân hàng là làm những gì có những vị trí công việc cụ thể nào ?
Ông Võ Việt Linh:

           Trong thời đại mới, ngân hàng không chỉ là nơi để khách hàng giao dịch mà là nơi để khách hàng trải nghiệm và được tư vấn về các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Mỗi nhân viên ngân hàng cần phải trở thành những nhà tư vấn giải pháp tài chính cho khách hàng. Trong các giai đoạn trong cuộc đời của mỗi cá nhân cũng như các giai đoạn phát triển khác nhau của mỗi doanh nghiệp đều phát sinh những nhu cầu về tài chính và dựa vào đó ngân hàng sẽ thiết kế những sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.  Hầu hết các ngân hàng đều có những vị trí công việc như: giao dịch viên, chuyên viên tư vấn, chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp, chuyên viên thanh toán quốc tế, chuyên viên thẻ, thẩm định tín dụng, tư vấn đầu tư…

 5/ Em cũng quan tâm đến ngành chứng khoán vì bố em cũng có đầu tư ? Nhưng em không biết làm việc trong ngành chứng khoán hay công ty chứng khoán là làm những gì ?
Ông Nguyễn Duy Linh trả lời:
 
        Thị trường chứng khoán thực hiện chức năng cơ bản trung gian kết nối giữa người cần vốn và người thiếu vốn, công ty chứng khoán là một tổ chức tài chính trung gian giúp thị trường chứng khoán 
- Chuyên viên tư vấn chứng khoán: Những nhà đầu tư có tiền họ dùng tiền để đầu tư nhưng họ có thể chưa có kiến thức và kỹ năng để đầu tư hiệu quả họ đến với công ty chứng khoán để giúp họ xây dựng và quản lý danh mục đầu tư hiệu quả. Người chuyên viên tư vấn đầu tư sẽ giúp khách hàng đạt được nhu cầu tài chính này. 
- Bộ phận phân tích, cung cấp các báo cáo về vĩ mô, báo cáo về ngành, báo cáo về các công ty niêm yết để cung cấp cái nhìn về thị trường thời điểm nào nên mua, nên bán, cổ phiếu nào nên mua nên bán. 
- Bộ phận Ngân hàng đầu tư (Investment Banking) tư vấn cho các doanh nghiệp :Tư vấn niêm yết, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, tư vấn tăng vốn 
- Bộ phận môi giới và khối hỗ trợ, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, hỗ trợ giao dịch online, lưu ký chứng khoán, giao dịch margin, hành chính, nhân sự … 
Đây là những vị trí công việc rất đa dạng trong công ty chứng khoán. 

Phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển Thương hiệu - BUH

Quay lại
THAM GIA FANPAGE TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP.HCM
Thiet Ke Website