Tuyển sinh BUH

Thế hệ trẻ và định hướng nghề nghiệp
10053 lượt xem

THÔNG TIN TUYỂN SINH

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh cùng với sự phát triển không ngừng của các mô hình kinh tế khiến cho nhu cầu lao động tăng cao, đặc biệt là lao động có chuyên môn.

Mặc dù vậy, có một thực tế là chính lực lượng lao động được coi là “có chuyên môn” – những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học và còn cao hơn nữa lại thất nghiệp ngày càng nhiều. Đâu là lí do?

Phải chăng năng lực người lao động chưa bắt kịp với sự phát triển của nền kinh tế và đòi hỏi của công việc? Hay thậm chí nhiều người trong số họ còn mù mờ khi nghĩ đến tương lai nghề nghiệp của mình, không biết học xong sẽ làm gì, không biết đi làm rồi tương lai sẽ phát triển đến đâu...?

Một công việc… “qua đường”


Trong thời gian gần đây, nguồn việc làm từ ngành bán lẻ, dịch vụ có sức hút lớn đối với nguồn lao động trẻ, bởi tính chất năng động, lương, thưởng và “hoa hồng” cao, nhưng hầu hết các bạn trẻ khi tham gia vào công việc này thường chỉ là tìm một công việc tạm thời, cho đến khi tìm được đúng chuyên ngành mình học.

Rồi không ít những bạn trẻ “rải” hồ sơ đi khắp các công ty, khắp các cơ quan rồi đi phỏng vấn với một tâm trạng “thử xem nó thế nào”, và nếu may mắn được nhận vào làm việc thì cũng làm với một tâm trạng hời hợt, cũng  “để xem nó thế nào đã”.  Điều này cho thấy lực lượng lao động trẻ của chúng ta hiện nay mắc sai lầm lớn về nhận thức, định hướng nghề nghiệp, thiếu tính kỷ luật và sự kiên trì, xem công việc như một sự … “qua đường”.

Không phủ nhận rằng với tình hình kinh tế xã hội chung hiện nay thì việc “tìm gấp” một nghề mưu sinh để tồn tại là rất cần thiết và chính đáng. Nhưng cái đáng nói là tư tưởng vụ lợi của giới trẻ ngày nay dường như quá nặng.
Họ chỉ quan tâm làm ở đâu có lương cao hơn, công việc nhàn rỗi hơn chứ ít khi quan tâm xem ở đâu họ có công việc thú vị hơn, phù hợp hơn, ... Ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, chúng ta có thể gặp những người phục vụ café hay người lái taxi hết sức nhiệt tình và nghiêm túc, mặc dù chưa chắc đó đã là cái nghề họ ao ước và từng quyết theo học.

Đơn giản là họ tìm thấy được cái vui, cái thú vị của công việc đang làm, và đặc biệt là họ tôn trọng công việc của mình. Trong khi đó ở nước ta, số lượng các bạn trẻ từ sinh viên cho tới những người mới ra trường (những trí thức trẻ của đất nước) tham gia các công việc tương tự rất nhiều nhưng thật khó để thấy được điều đó. Cái đó xuất phát từ sự không tôn trọng công việc, và sự không tôn trọng trong những hoàn cảnh như vậy xuất phát từ việc con người ta ngay từ đầu đã coi công việc chỉ là “qua đường”.

Tình trạng vừa vào làm một nơi đã lập tức “rải” hồ sơ những  nơi khác và chỉ đợi nếu được gọi và có lương cùng chế độ ưu đã tốt hơn là đi ngay ngày nay hết sức phổ biến trong giới trẻ. Tất nhiên có những công việc tốt, và có những công việc không như mong muốn hoặc đơn giản là không phù hợp, nhưng khi mang theo mình tư tưởng như vậy thì chắc chắn rằng chẳng có một công việc nào là đủ tốt, đủ phù hợp cả.

Trong phiên giao dịch việc làm dành cho thanh niên cuối tháng 3 vừa qua, chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Trọng Hưng, Phó phòng Nhân sự Cty CP Media mart VN (Hà Nội), đã đánh giá về chất lượng ứng viên rằng: Mong muốn có được nhiều hồ sơ dự tuyển đáp ứng nhu cầu tuyển 70 chỉ tiêu của công ty, nhưng ông chỉ phỏng vấn được số lượng ứng viên khiêm tốn.

Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là nhà tuyển dụng nhân ra rằng nhiều bạn trẻ chưa thực sự nhìn nhận công việc này là nghiêm túc. “Nhiều bạn trẻ không xác định rõ định hướng tìm việc.
Họ nghĩ rằng công việc tại siêu thị chỉ là nhất thời, có tính tạm bợ cho một việc làm nào đó nay mai. Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ hiện đang rất nóng và một lộ trình nghề nghiệp ổn định từ nhân viên bán hàng, trưởng nhóm, phụ trách ngành hàng…” - ông Hưng cho biết.

Chẳng đâu xa mà ngay như cơ quan tôi khi tiến hành tuyển dụng, lần nào hồ sơ nhận về cũng rất ồ ạt và phong phú, nhưng khi phỏng vấn cũng chỉ nhận về được rất ít ứng viên đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng ngay cả trong số ít ỏi đó, cũng còn cần tiếp tục được quan tâm và chọn lọc thêm để xem những ai thực sự phù hợp và sẵn sàng làm việc nghiêm túc và những ai coi công việc chỉ đơn giản là cái “cần câu cơm”.

Một vấn đề nữa trong cách nhìn nhận và mục tiêu công việc của một bộ phận rất lớn người trẻ tuổi hiện nay là tâm lý cầu toàn.

Họ muốn có những công việc nhàn hạ, chẳng hạn như chỉ ngồi văn phòng nói chuyện phiếm và uống trà nhưng lại hưởng mức lương cao.

Đây cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại vì nếu tâm lý đó cứ tiếp tục lan rộng thì chỉ riêng nó thôi đã đủ chứng minh rằng chúng ta đang có một thế hệ người trẻ tuổi - mà cụ thể là chính những trí thức trẻ được học hành bài bản – không hề yêu lao động.

Chẳng đâu xa, chỉ cần quan sát hay tham gia bất cứ cuộc gặp gỡ bạn bè nào ngày nay, tuyệt đại đa số kịch bản của những lời thăm hỏi công việc sẽ là hỏi “Làm ở đâu?” và sau đó là “Lương cao không?” hay “Nhiều tiền không?” chứ chẳng mấy khi có người hỏi “Công việc có thú vị không?”.

Thực ra, chẳng riêng các ngành dịch vụ mà khi đã có tâm lý như nêu trên thì cho dù người lao động trẻ có vào được đúng cơ quan, doanh nghiệp cho phép họ sử dụng chuyên môn của mình thì tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” vẫn chẳng mất đi được.

Những người làm việc vì ham mê công việc hoặc vì một mục tiêu hết sức cụ thể không nhiều, mà bên cạnh đó lại rất nhiều người luôn thường trực tư tưởng sẽ tới với cơ quan mới, doanh nghiệp mới ngay khi có một cơ hội hấp dẫn hơn về thu nhập. 

Đi tìm lời giải

Cơ hội việc làm dành cho lao động trẻ nhiều, nhưng nhiều việc làm đòi hỏi những kỹ năng làm việc, sự tập trung, phụ thuộc vào đặc thù công việc. Không hẳn lao động trẻ nào cũng phù hợp với tính chất công việc như “trong mơ”, dù mức lương và các chế độ đãi ngộ có hấp dẫn.

Còn có một thực tế đối với thị trường lao động hiện nay là nhiều bạn trẻ khi học xong phổ thông, luôn nhắc đi nhắc lại rằng họ có thể không cần vào học đại học, nhưng họ vẫn thành công trong cuộc sống. Đúng là có một số những bạn trẻ trong số này sẽ có được thành công nhất định, tuy nhiên nếu nói về tỷ lệ thì không hề nhiều, và hầu hết họ không phải là thành công trong lĩnh vực của một người trí thức.

Điều đáng nói ở đây là những người không muốn học hành như trí thức đó lại không muốn tham gia lao động phổ thông mà muốn thành công trong những lĩnh vực vốn chỉ dành cho trí thức. Mà thực ra, nếu họ nghĩ làm việc trí thức là an nhàn hơn lao động phổ thông, thì thực ra chẳng qua cũng chỉ vì họ chưa bao giờ biết thế nào là trí thức mà thôi.

Thực tế cho thấy khi chúng ta thiếu định hướng nghề nghiệp, thì một phần lớn những trí thức trẻ khi rời mái trường đại học, không biết mình sẽ làm được gì với ngành mình học. Đại đa số có tư tưởng xin việc vì quyền lợi bản thân chứ chưa nghĩ nhiều đến công việc. Một số nữa lại quá tham vọng do không tự lượng được sức mình nên khi mắc phải sai lầm hay gặp thất bại trở nên chán nản và nhanh chóng đầu hàng.

Thiếu say mê và nhiệt huyết với nghề nghiệp, những người trẻ tuổi dường như đang ngày càng bế tắc trong nền kinh tế không ngừng phát triển kèm theo những đòi hỏi tương ứng ngày nay.

Không có những công việc an nhàn mà lương cao, cũng không có công việc nào dành cho tất cả mọi người. Để định hướng được cho mình thì người trẻ cần tự xác định được năng lực bản thân: đâu là điểm mạnh, điểm yếu, đâu là điểm cần nâng cao; đồng thời cần chủ động quan sát, tìm hiểu để nắm được những yêu cầu của mỗi công việc và ngành nghề thì qua đó mới xác định được hướng đi cho mình.

Công tác giáo dục ở nhà trường phổ thông (chủ yếu là THPT) cũng như đào tạo chuyên môn ở cao đẳng, đại học, trường dạy nghề ... cũng cần chú trọng hơn việc định hướng cũng như giúp người học hình thành một tư duy đúng đắn hơn về nghề nghiệp.

Sưu tầm

Quay lại
THAM GIA FANPAGE TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP.HCM
Thiet Ke Website