Tuyển sinh BUH

HỌC NGÀNH LUẬT ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP. HỒ CHÍ MINH: CƠ HỘI TRỞ THÀNH LUẬT SƯ VÀ CHUYÊN GIA QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG KINH DOANH - QUẢN LÝ
7669 lượt xem

THÔNG TIN TUYỂN SINH

                                                                                                                                            PGS TS. Nguyễn Đức Trung 
                                                                                                                                            Ths. Nguyễn Anh Vũ

        Người tốt nghiệp ngành Luật có cơ hội việc làm khá đa dạng, họ có thể làm việc trong các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ trung ương đến địa phương; trở thành các luật sư, luật gia làm việc trong các văn phòng luật sư và công ty tư vấn luật; làm việc tại các bộ phập pháp chế, hành chính, nhân sự của các doanh nghiệp, tổ chức; trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu …. Đặc biệt, trong giai đoạn nhiều biến động hiện nay, người học ngành luật trở thành các nhà quản lý, điều hành tại nhiều lĩnh vực ngành nghề.  Chúng ta đều biết, các trường luật cũng là cái nôi đào tạo nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng trên thế giới. 
        Theo các chuyên gia pháp lý, trên thế giới tồn tại nhiều hệ thống luật khác nhau như : Civil Law/Continental Law, Common Law, hệ thống pháp luật XHCN …. Phương pháp và triết lý đào tạo ngành luật tại từng quốc gia cũng có những điểm khác biệt. Tại các nước châu Âu lục địa như Đức, Pháp, Ý … ngành luật được đào tạo từ bậc đại học, người tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân luật. Quá trình đào tạo chức danh tư pháp (luật sư, thẩm phán, công tố viên) được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn đào tạo cử nhân luật tại các trường đại học và giai đoạn đào tạo thực hành nghề luật tại các học viện tư pháp. Sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật, sau đó có thể tiếp tục học ngành luật ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ. Hệ thống đào tạo này được áp dụng phổ biến tại phần lớn các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt nam. 
        Tại Mỹ, phần lớn các trường đại học không đào tạo ngành luật ở bậc cử nhân.  Để được nhận vào trường luật, sinh viên bắt buộc đã phải có một bằng đại học ở một ngành nhất định. Các chương trình đào tạo ngành luật thường kéo dài  3 - 4 năm, sinh viên tốt nghiệp sẽ được nhận bằng Juris Doctor (JD).  Hầu hết các bang ở Mỹ đều quy định người muốn trở thành luật sư phải hoàn thành 4 năm bậc đại học và  sau đó là 3 năm đào tạo tại một trong các trường Luật được Hội Luật gia Hoa Kỳ công nhận, cuối cùng phải đỗ kỳ thi công nhận luật sư. Các chương trình đào tạo tại các trường luật của Mỹ ngoài các kiến thức pháp lý, chú trọng đào tạo các kỹ năng hành nghề luật sư và tiếp cận các tình huống pháp lý  thực tế. Kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo nghề trong chương trình trường luật giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ cần qua thời gian tập sự ngắn đã có thể làm việc được. Ngoài ra, các Trường Đại học của Mỹ vẫn có chương trình Thạc sĩ Luật (Master of Law) và Tiến sĩ luật (PhD of Laws, Doctor of Juridical Science – S.J.D) dành cho sinh viên người nước ngoài hoặc các JD muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy về luật tại các trường đại học. 

 

Giảng viên Khoa Luật Kinh tế - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

 

      Tại Việt Nam, bên cạnh các đơn vị có bề dày truyền thống về đào tạo ngành luật như: Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP. HCM. Những năm gần đây, nhiều trường đại học công lập và ngoài công lập cũng bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo ngành luật đại học và sau đại học. Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh kế thừa kinh nghiệm 45 năm giảng dạy đào tạo khối ngành kinh tế, kinh doanh quản lý và đào tạo Luật kinh tế, đã học hỏi kinh nghiệm đào tạo của các trường luật uy tín trong và nước, đồng thời tìm cho mình một hướng đi riêng. 

 

Khuôn viên Thư viện, Giảng đường C của Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

 

             Luật là những quy tắc, nguyên tắc của cuộc sống được trình bày dưới ngôn ngữ pháp lý nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong xã hội. Luật kinh tế cũng chính là các nghiệp vụ, vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh tế được thể hiện dưới lăng kính của pháp lý. Khi xây dựng các quy phạm pháp luật, hay xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến kinh tế, thương mại  đòi hỏi phải có sự am hiểu và kiến thức về chuyên môn bên cạnh kiến thức nền tảng và pháp lý. Ví dụ, khi một luật sư bảo vệ cho thân chủ trong một vụ án về theo túng giá chứng khoán sẽ tốt hơn rất nhiều nếu luật sư đó có những hiểu biết nhất định  hiểu các nguyên tắc vận hành và nghiệp vụ trên thị trường chứng khoán. Khi một luật gia tư vấn soạn thảo hợp đồng tín dụng ngân hàng, vị luật gia đó cũng cần phải có hiểu biết về nghiệp vụ cho vay của ngân hàng. Mô hình đào tạo ngành Luật tại trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh kết hợp giữa kiến thức pháp lý nền tảng, kiến thức luật chuyên ngành, kỹ năng hành nghề luật và kiến thức chuyên môn kinh tế thể hiện qua các chương trình đào tạo như sau: 

1. Chương trình Đại học chính quy ngành Luật Kinh tế: 
- Tại BUH, ngoài kiến thức nền tảng về luật học, luật chuyên ngành, trong chương trình đào tạo sinh viên còn được trang bị kiến thức bổ trợ về kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư …
- Sinh viên Luật cũng có thể tìm hiểu các kiến thức chuyên môn ngoài ngành luật thông qua các câu lạc bộ, các cuộc thi, các sinh hoạt học thuật đa dạng của các khoa chuyên ngành như; Tài chính, Ngân hàng, Kế toán kiểm toán, Kinh tế quốc tế, Hệ thống thông tin quản lý, Quản trị kinh doanh, Marketing…
- Sinh viên ngành Luật Kinh tế  có thể theo học ngành 2 các ngành mà mình muốn tìm hiểu sâu hơn như : Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế.
- Sinh viên được phát triển kỹ năng hành nghề luật thông qua các học phần như: Tư duy phản biện, Kỹ năng thuyết trình và hùng biện, Kỹ năng soạn thảo văn bản pháp lý và hợp đồng, kỹ năng thực hành nghề luật…; tiếp cận thực tế thông qua các tình huống thực tế, vụ án thực tế, các tour tham quan văn phòng luật sư, tòa án, viện kiểm sát, tọa đàm với các chuyên gia pháp lý, tổ chức và tham gia các phiên tòa giả định … 

 


Sinh viên Khoa Luật Kinh tế trong một phiên toà giả định
 
Sinh viên Khoa Luật Kinh tế tham gia Cuộc thi "Giảng đường Pháp luật" do Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức

 

2. Chương trình Thạc sĩ Kinh tế: 
- Chương trình Thạc sĩ Luật tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM bao gồm 60 tín chỉ, kéo dài trong thời gian 24 tháng (kể cả thời gian làm luận văn). Học viên tốt nghiệp sẽ được nhận văn bằng Thạc sĩ Luật Kinh tế do Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cấp. 
- Chương trình đào tạo dành cho 2 đối tượng: 
+ Người học đã tốt nghiệp đại học ngành luật, đang làm việc trong lĩnh vực tư pháp và các lĩnh vực khác muốn cập nhật và nâng cao kiến thức về luật kinh tế để phục vụ cho công việc của mình hoặc chuẩn bị cho sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy luật. 
+ Người tốt nghiệp đại học các khối ngành như Kinh tế học, Khoa học chính trị,  An ninh và trật tự xã hội, Kinh doanh và quản lý. Đang công tác tại các ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước muốn nâng cao trình độ và hiểu biết về luật pháp trong lĩnh vực kinh tế để hỗ trợ cho công việc của mình. Các ứng viên này sẽ được bổ túc kiến thức về pháp luật bao gồm 3 học phần:  Luật Kinh tế, Luật dân sự, Luật hình sự trước khi dự thi. Các học viên  thuộc đối tượng tuyển sinh này sẽ có kiến thực cập nhật nhất về khoa học pháp lý, luật kinh tế, kỹ năng hành nghề luật dựa trên nền tảng hiểu biết và kinh nghiệm phong phú của bản thân trong kinh vực kinh tế, kinh doanh, quản lý.
- Chương trình đào tạo giúp học viên cập nhật những kiến thức chuyên sâu và hiện đại nhất trong lĩnh vực pháp luật kinh tế; nâng cao kỹ năng  thực hành nghề luật, kỹ năng giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh, hoạt động quản lý kinh tế của nhà nước; nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành. Đây chính là cách tiếp cận nhằm quản trị rủi ro hiệu quả nhất của những người làm trong khối ngành kinh tế - kinh doanh – quản lý với bối cảnh môi trường kinh doanh liên tục biến động. 

3. Chương trình đại học văn bằng 2 ngành Luật Kinh tế: 
- Đối với các ứng viên đã tốt nghiệp đại học, đặc biệt là khối ngành kinh tế, với kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được trong lĩnh vực chuyên môn của mình đang muốn chuyển hướng làm việc trong ngành luật, đặc biệt là đảm nhiệm các chức danh tư pháp như thẩm phán, công tố viên, luật sư, chương trình đại học văn bằng 2 ngành luật sẽ là 1 lựa chọn phù hợp.
- Chương trình đào tạo bao gồm 73 tín chỉ (thời gian đào tạo 2 năm), sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng Cử nhân Luật Kinh tế của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. Đủ điều kiện để được đảm nhiệm các chức danh tư pháp sau khi có đầy đủ các điều kiện về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác theo quy định.
Các chương trình đào ngành Luật tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh được thiết kế nhằm đáp ứng du cầu đa dạng của người học, đồng thời thể hiện triết lý và hướng đi riêng của Trường trong lĩnh vực đào tạo này. 

Quay lại
THAM GIA FANPAGE TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP.HCM
Thiet Ke Website