Tuyển sinh BUH

Nghề chọn người hay người chọn nghề?
7080 lượt xem

THÔNG TIN TUYỂN SINH

Trong xã hội luôn tồn tại nhiều ngành nghề khác nhau và nghề  nghiệp nào tồn tại hợp pháp cũng là những nghề quan trọng. Bởi chúng ra đời là nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.

Không có nghề nào sang hay nghề hèn, không có nghề nào quan trọng hơn nghề nào. Vấn đề ở chỗ người làm nghề đó như thế nào?

Nếu chúng ta làm việc với sự đam mê, làm đúng sứ mệnh nghề nghiệp thì sẽ được xã hội tôn trọng, dễ thành công và hưởng được cuộc sống hạnh phúc thực sự.

​Nghề chọn hay chọn nghề?

​Để vào được đại học, các thí sinh và phụ huynh rất quan tâm đến nghề nào “hot”, ngành nào dễ có việc làm, thu nhập cao?

Gần đây, xã hội bắt đầu quan tâm đến chọn ngành - nghề học phù hợp với sở thích, sở trường và năng lực của cá nhân.

Đây cũng là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, chúng ta có thực sự chọn đúng ngành nghề yêu thích hay không?

Thực tiễn cũng rất đa dạng, nhiều khi ngành nghề cũng chọn lựa con người thông qua các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng làm việc, tính cách đặc trưng, sức khỏe…

Trong thực tế, có rất nhiều người thất nghiệp nhưng không phải họ không xin được việc làm. Mà phần lớn là do bản thân không phù hợp với nghề đã chọn, không đáp ứng được yêu cầu của nghề nên bị đào thải, bị thất nghiệp.

Ví dụ, có một số người thích nhiều tiền nên học ngành kinh doanh nhưng họ không có tố chất của một doanh nhân.

Trái lại, có người thích ngành công an nhưng lại muốn tự do, không muốn bị gò bó bởi những quy định, nội quy… cuối cùng nghề chọn lựa và đào thải người đó.

Hiện nay, trong xã hội nói chung và các trường Trung học phổ thông nói riêng, công tác hướng nghiệp chưa được chú trọng hoặc chưa đủ khả năng hướng nghiệp…

Hậu quả dẫn đến tình trạng thí sinh rất lúng túng trong chọn ngành - nghề để học.

Trang bị kiến thức nền, kỹ năng để thích ứng với mọi thay đổi

Hệ thống nghề nghiệp trong xã hội rất phong phú và đa dạng. Theo thống kê, trên thế giới hiện  nay có trên dưới 2.000 nghề với hàng chục ngàn chuyên môn khác nhau.

Nghề nghiệp ra đời là do nhu cầu của cuộc sống vì vậy xã hội phát triển thì nghề nghiệp cũng phát triển.

Nghề có thể sinh ra và mất đi theo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền, quốcgia… Đó là quy luật tất yếu. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 500 nghề mất đi và có khoảng 600 nghề mới xuất hiện.

Để thích ứng với xã hội luôn biến động, các trường đại học trên thế giới đang có xu thế quay về với các vấn đề cơ bản, chú trọng đến các ngành khoa học cơ bản và xây dựng đại học nghiên cứu.

Các ngành khoa học cơ bản  (đào tạo cử nhân khoa học) không chỉ có sứ mệnh đào tạo các nhà khoa học mà còn cung cấp cho người học nền tảng kiến thức khoa học cơ bản vững chắc, rèn luyện cho người học các kỹ năng nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ…

Sau khi tốt nghiệp, người học chủ động tìm kiếm việc làm phù hợp, kiến tạo việc làm mới cho xã hội, đặc biệt là có khả năng thích ứng cao trong xã hội có nhiều biến động.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến hệ thống ngành - nghề trên toàn thế giới.

Một số ngành - nghề được xem là thế mạnh trước đây có thể sẽ thay đổi, nhường lại cho những ngành - nghề “trí tuệ” mới ra đời.

Liệu các Trường Kỹ thuật – Công nghệ đã thay đổi kịp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội đó?

Mặt khác, dù là công nghệ nào thì cũng được phát triển trên nền tảng của các môn khoa học cơ bản.

Nắm chắc kiến thức cơ bản của các ngành khoa học, trang bị ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống sẽ là thế mạnh của sinh viên các ngành cử nhân khoa học trong xu thế hội nhập quốc tế và thích ứng cao ở xã hội không ngừng biến động.

Nguồn: Báo giáo dục

Quay lại
THAM GIA FANPAGE TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP.HCM
Thiet Ke Website