Ngày 20.4 là hạn cuối cùng để thí sinh (TS) cả nước nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017. Điều bất ngờ ở mùa thi năm nay, số lượng TS chọn thi các môn xã hội bỗng dưng tăng vọt, đặc biệt là môn lịch sử - môn học vốn bị “ghẻ lạnh” ở những năm trước.
Lựa chọn đảo chiều?
Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện đã có gần 779.340 TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trong đó, số TS đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ là hơn 583.000 (chiếm 74,84%), số thí sinh tự do là gần 56.000 (chiếm 7,13%), còn lại là các TS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT (chiếm 18,03%).
Điều đáng nói, tỷ lệ TS chọn các môn xã hội năm nay “áp đảo” với gần 385.000 TS (49,39%) đăng ký bài thi khoa học xã hội và gần 298.000 TS (38,22%) đăng ký bài thi khoa học tự nhiên. Cũng có hơn 66.000 TS (8,49%) đăng ký cả hai bài thi. Còn lại là TS tự do đã đỗ tốt nghiệp chỉ chọn môn lẻ để xét tuyển ĐH, CĐ.
Bất ngờ hơn cả, môn thi được TS lựa chọn nhiều nhất lại chính là môn bị “ghẻ lạnh” trong nhiều kỳ thi tốt nghiệp trước đây: Môn lịch sử với hơn 350.000 TS lựa chọn, tiếp đến là địa lý hơn 347.000 TS, giáo dục công dân hơn 308.000 TS, số liệu giảm dần ở các môn hóa, lý, sinh.
Lần đầu tiên môn sử lọt “top” đầu môn thi được nhiều TS lựa chọn nhất. So với mùa thi năm 2016, tỷ lệ TS chọn môn này chỉ là 15%, năm 2015 là 15,3%, các năm trước từ 2002 – 2014 tỷ lệ thí sinh chọn môn sử chỉ từ 6 – 8%.
Tại nhiều tỉnh thành các năm trước có số lượng TS thi môn sử thấp kỷ lục, năm nay con số này cũng thay đổi chóng mặt. Theo số liệu từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng – Sở GDĐT tỉnh Nghệ An, trong số hơn 30.000 hồ sơ đã nhận được cho tới sát ngày cuối hạn nộp hồ sơ, tỉnh này có gần 20.000 TS chọn thi môn sử, đứng đầu các môn được lựa chọn, tiếp đó là môn địa lý và giáo dục công dân. Trong khi đó, năm 2016, với tổng số 12.700 TS dự thi tại cụm thi do Sở này chủ trì, chỉ có 73 TS thi môn sử và có 19/26 điểm thi địa phương “trắng” TS dự thi môn này.
Giải thích sự thay đổi này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, nguyên nhân là do năm nay kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ có nhiều thay đổi. Các môn thi xã hội trong đó có địa, sử chuyển sang thi trắc nghiệm, không phải thi tự luận, do đó cũng không cần học sinh phải học thuộc dài dòng như trước. Bên cạnh đó xuất hiện các bài thi tổ hợp, thí sinh được quyền lựa chọn 1 trong 2 bài thi và cũng có thể thi cả 2 để lấy điểm nào cao nhất sử dụng xét tuyển. Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ cũng bổ sung nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới có chứa các môn thi xã hội, nhiều trường bổ sung thêm các môn thi mới như giáo dục công dân vào tổ hợp xét tuyển làm tăng cơ hội đỗ ĐH cho các em. Chính vì vậy, việc lựa chọn môn thi của các em tất yếu thay đổi.
Vừa mừng, vừa lo
Việc TS bỗng dưng “chuộng” các môn thi xã hội là một tín hiệu đáng mừng về việc tầm quan trọng của các môn học đang dần được cân bằng, TS không còn chạy đua theo các môn học “hot” với cơ hội xét tuyển vào nhiều trường hơn. Tuy nhiên, nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục lại lo ngại sự đột biến này thể hiện xu hướng... thi gì, học nấy.
Em Trần Nguyễn Hương Giang – học sinh lớp 12 ở Lạng Sơn (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, em không học chuyên về các môn xã hội nhưng năm nay vẫn lựa chọn thêm bài thi khoa học xã hội. “Các năm trước mấy môn xã hội thi tự luận, học hành rất vất vả. Năm nay sử, địa chuyển sang thi trắc nghiệm, chỉ cần đọc hiểu, biết phân tích, suy luận là có thể làm được bài, thậm chí được điểm cao. Đây lại là thế mạnh của em, vì vậy em chọn thi, nếu điểm các môn xã hội của em đạt cao, em sẽ sử dụng để xét tuyển vào một số trường có môn thi này như luật, báo chí...” – Giang chia sẻ.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Tình – giáo viên THPT tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thì cho rằng, nhiều TS chọn thi môn xã hội với tâm lý đỗ tốt nghiệp trước rồi... tính sau: “Nhiều em cho rằng năm nay là năm đầu tiên thi trắc nghiệm các môn xã hội nên kiểu gì đề cũng dễ. Những em có lực học trung bình, trung bình khá thường sợ các môn khoa học tự nhiên phải tính toán nhiều. Trong khi đó, các môn khoa học xã hội năm nay thi trắc nghiệm không cần diễn giải chỉ cần chọn đúng – sai. Các kiến thức thuộc môn khoa học xã hội thường gắn liền với đời sống, đặc biệt môn địa lý, giáo dục công dân nên nhiều em có thể suy luận chọn đáp án để làm bài” – thầy Tình nói.
Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) thì cho rằng, nhiều TS chọn thi môn sử không đồng nghĩa với việc TS đã yêu thích môn học này nhiều hơn: “Đây có thể là lựa chọn an toàn cho những TS có học lực trung bình, trung bình khá. Việc lựa chọn chỉ mang tính chất phục vụ việc thi, thi gì học nấy. Nếu vẫn giữ tâm lý và cách suy nghĩ đó thì tình trạng ra khỏi phòng thi là quên ngay kiến thức sẽ vẫn còn” – thầy Hiếu nói.
Nguồn: Báo Dân Việt